Các chị có từng thắc mắc hổng biết lọ kem trắng da mình đang dùng có cái gì trong đó, và làm ra nó có khó hay không? Hôm nay Hà sẽ bật mí cho các chị công thức làm nên lọ kem dưỡng trắng da trên thị trường. Mỗi cá nhân, mỗi thương hiệu đều có một công thức làm kem riêng của mình, nhưng nền tảng cơ bản thì hầu như ai cũng phải tuân theo chuẩn chung ạ.
I- KEM DƯỠNG DA LÀ GÌ
Kem dưỡng da là một dạng nhũ tương (emulsion). Cơ bản gồm có sự kết hợp của 4 nhóm: Dầu, Nước, Chất Nhũ Hóa và Chất Bảo Quản.
Kem = Dầu + Nước + Chất Nhũ Hóa + Chất Bảo Quản = 100%
1. Dầu/Bơ
Đóng vai trò dưỡng chính trong sản phẩm. Chiếm tỷ lệ 10 -50%. Dầu/bơ càng nhiều thì khả năng giữ ẩm càng cao, dễ nhờn rít.
– Nếu dầu chiếm tỷ lệ cao trong công thức thì gọi là nền kem Water in Oil (Nước trong Dầu – tức nước ít hơn dầu).
– Nếu là dạng Bơ Dưỡng (butter cream) thì sản phẩm chỉ bao gồm Dầu + Bơ + Chất tan được trong dầu + Chất chống oxy hóa… Không có Nước. Dạng kem này rất đậm đặc và dưỡng cực cao, thích hợp nhất cho xứ lạnh và da cực khô.
– Dầu tự nhiên dùng trong kem là: dầu dừa, dầu thầu dầu, dầu quả bơ, dầu hạt nho v.v…
– Hoặc bơ dưỡng gồm: bơ ca cao, bơ hạt mỡ, bơ xoài, bơ đậu nành….
– Trên thị trường hầu hết các nhà sản xuất thường dùng những dẫn xuất từ dầu mỏ tạo sự mịn mượt giả tạo cho da như Minerol oil, Vaseline, Parafin… để thay thế cho dầu hoặc bơ tự nhiên vì giá rất rẻ và độ ổn định cao. Những chất này chỉ tạo sự mềm mại tạm thời trên bề mặt da chứ không có công dụng nuôi dưỡng làn da (vì không chứa dưỡng chất gì).
Vai trò của chất dầu trong mỹ phẩm cũng rất đa dạng, có thể là tác nhân trợ nhũ, chất làm mềm, tạo độ bóng hoặc giữ vai trò tạo màng chống thấm nhờ tính kị nước.
2. Nước
Sản phẩm nhiều nước thì sẽ ít dầu (hệ kem Oil in Water), giúp kem thấm nhanh và ít nhờn rít hơn so với hệ kem Water in Oil. Nếu sống ở Việt Nam thì Hà thấy loại Oil in Water dùng nhẹ nhàng thích hơn.
Nước trong mỹ phẩm có thể là nước cất (Aqua/water), nước cây lô hội (Aloe vera hydrosol), nước cây phỉ (Witch Hazel), nước hoa hồng (Rose water)… Thường dùng nhất là nước cất.
3. Chất nhũ hóa
Có công dụng kết hợp Nước và Dầu lại với nhau thành một thể thống nhất. Tỷ lệ dao động 5-15%.
Chất nhũ hóa nhiều hay ít sẽ ảnh hưởng tới độ đặc – loãng của sản phẩm. Thông thường dạng sữa dưỡng (lotion) sẽ dùng ít chất nhũ hóa, sản phẩm dạng kem (cream) dùng tỷ lệ nhũ hóa nhiều hơn. Sản phẩm dạng kem đặc hơn dạng lotion không hẳn là nhiều dưỡng chất hơn dạng lotion, mà chỉ là tỉ lệ chất nhũ hóa cao hơn mà thôi.
4. Chất bảo quản
Chất bảo quản được thêm vào sản phẩm với 2 mục đích: Ngăn ngừa sản phẩm bị hư hỏng bởi vi khuẩn/nấm mốc và Bảo vệ người tiêu dùng.
Nếu sản phẩm kem dưỡng chứa cả Dầu và Nước thì cần phải có chất bảo quản vì vi khuẩn nấm mốc phát triển trong môi trường nước. Khi không dùng chất bảo quản thì sản sau khoảng vài ngày có thể bị nổi mốc, lên men, sử dụng không tốt cho da và sức khỏe.
Tỷ lệ chất bảo quản trong một hũ kem ở mức cho phép thường là 0,5 – 1,5%. Thời hạn bảo quản từ 6 tháng đến 3 năm tùy theo từng loại chất bảo quản cũng như nồng độ chất bảo quản.
Nếu sản phẩm chỉ toàn là Dầu và Bơ thì không cần chất bảo quản, vì bản thân dầu và nước đã có chất chống oxy hóa tự nhiên. Hạn sử dụng của sản phẩm này tương đối ngắn (tầm 3-6 tháng).
Tâm lý người tiêu dùng khi nghe đến chất bảo quản là lo lắng. Nhưng sự thật là nếu một sản phẩm mỹ phẩm không có chất bảo quản thì rất dễ bị hỏng do vi khuẩn và nấm mốc, khi ấy càng nguy hiểm hơn. Quan trọng là chất bảo quản đó có được nhà nước cho phépđồng thời tỉ lệ có phù hợp hay không.
Các chất bảo quản hay gặp trong hóa mỹ phẩm là Phenonip, Paraben, Phenoxythanol, Optiphen v.v…
* Các chất bảo quản họ Paraben đang gây tranh cãi khá nhiều. Paraben gồm nhiều loại ví dụ methylparaben, ethylparaben, butylparaben, isobutylparaben, propylparaben, isopropylparaben, phenylparaben, pentylparaben và benzylparaben.
Một số loại Paraben hiện đã bị cấm: isopropylparaben, isobutylparaben, phenylparaben, benzylparaben và pentylparaben
Trước đây Phenonip hầu như chứa đầy đủ các nhóm Paraben nên có tác dụng bảo quản khá bền. Khoảng 2 năm trở lại đây do việc cấm dùng 5 nhóm Paraben kể trên nên Phenonip cũng loại các nhóm Paraben cấm đó ra khỏi thành phần, vì vậy tính bảo quản cũng có phần yếu hơn trước.
Các yếu tố ảnh hưởng đến chất bảo quản:
– pH của môi trường
– Nồng độ của chất bảo quản
– Hệ số phân bố
– Sự tương tác giữa các cấu tử và chất bảo quản
– Ảnh hưởng của chất hoạt động bề mặt
Tóm lại, việc dùng chất bảo quản cho đúng tính chất hóa sinh, sao cho lành tính, mà vẫn tuân thủ theo quy định của pháp luật là một bài toán khá đau đầu cho các cơ sở sản xuất mỹ phẩm. Người sản xuất phải có sự hiểu biết nhất định thì mới tạo ra được một sản phẩm ổn định và an toàn cho người tiêu dùng.
>> Trên đây là những yếu tố cơ bản nhất cấu thành một lọ kem dưỡng da. Chỉ cần chuẩn bị dụng cụ nấu và một ít nguyên liệu cần thiết, thì ai cũng có thể làm một mẻ kem nho nhỏ để tự dùng cho bản thân mình và dành tặng người thân. Rất dễ thương và đầy tự hào đúng không ạ..hihi…
Nhưng để tạo nên một sản phẩm đa chức năng như chất kem đẹp, mùi thơm, có công dụng làm trắng, cấp nước, trị mụn, chống nắng… mang lại hiệu quả như mong muốn và đạt được sự ổn định của sản phẩm đem bán ra thị trường thì cần phải có thêm các nhóm Thành Phần Bổ Sung, Nhóm Tạo Giá Trị Đặc Biệt và cả kiến thức về chuyên ngành nữa.
Nhóm Thành Phần Bổ Sung gồm:
Nhóm phụ gia: Chất tạo màu/mùi hương: mùi hương liệu (Fragrance), hoặc mùi tinh dầu (essential oil). Chiếm tỷ lệ 0,5 – 1%.
Chất làm dày, tạo độ kết dính, hỗ trợ nhũ hóa: xathan gum, acid stearic, polymers v.v… Chiếm tỷ lệ 1-5%.
>> Nhóm này giúp sản phẩm mềm dẻo, có màu sắc và mùi thơm… nói chung là đẹp về mặt hình thức.
** NHÓM TẠO GIÁ TRỊ ĐẶC BIỆT (NHÓM ACTIVE):
Nhóm này quyết định giá trị của sản phẩm, tạo nên công dụng chính của sản phẩm đó (chẳng hạn trị mụn, làm trắng da hay trị nám), nên thường được gọi là nhóm Active. Ví dụ các chất như vitamin C, kojic aicd, mulbery extract thuộc nhóm có tác dụng làm trắng da.
Mỗi chất riêng lẻ trong nhóm tạo giá trị đặc biệt thường được dùng với tỉ lệ 1-5% tùy loại, không hẳn là sử dụng tỷ lệ càng cao thì càng tốt (giải thích bên dưới). Có thể kết hợp 2-3 chất tạo giá trị đặc biệt khác nhau trong một hũ kem dưỡng để tạo ra nhiều giá trị chăm sóc khác nhau, nhưng tổng tỉ lệ của nhóm active không vượt quá 10%.
Một số bạn tự làm kem dưỡng trắng da handmade để bán hay nghĩ rằng “cứ cho càng nhiều chất tạo giá trị càng tốt, hoặc cho tỉ lệ càng cao càng tốt”. Trên thực tế khi tỉ lệ quá cao thì dưỡng chất không thể hấp thu hết vào da gây lãng phí, ngoài ra có thể gây kích ứng da nữa. Còn khi kết hợp quá nhiều chất tạo giá trị thì dễ gây xung đột chất này với chất kia, khiến nền kem bị ảnh hưởng, tệ hơn là sinh độc tố làm nguy hại đến da. Việc bổ sung các chất trong nhóm Active này cần có sự hiểu biết chuyên ngành nhất định.
Một sản phẩm tốt và an toàn là khi có nguồn nguyên liệu chất lượng, tác động hài hòa với chu trình của da cộng với yếu tố hóa sinh cấu thành nên sản phẩm.
Những chất trong nhóm Active thường rất mắc tiền (vài chục triệu đến vài trăm triệu một kg) nên các công ty (nhất là các hiệu mỹ phẩm giá rẻ) thường rất hạn chế thêm vào. Khi xem bảng Ingredients nếu các chị thấy các chất trong nhóm Active lại đứng sau cả nhóm phụ gia (chất bảo quản/mùi hương) thì chứng tỏ tỷ lệ dưỡng chất này rất thấp (tổng chưa đến 1%), sản phẩm chỉ có hiệu quả “quảng cáo” chứ ít có tác dụng thực sự lên da.
KHUNG MẪU CÔNG THỨC LÀM KEM
Mỗi người sẽ có công thức riêng của mình với những chất khác nhau được thêm vào, nhưng (theo kiến thức hạn hẹp của Hà) ai cũng phải làm theo khung nền như sau:
* Hà ví dụ về công thức làm kem dưỡng da tham khảo dưới đây:
Công thức này Hà dùng:
* Tổng tỷ lệ Phase dầu là 30.5%. Dưỡng ẩm vừa phải và chất kem sẽ đặc vừa.
– Chất nhũ hóa (E-wax): 10%.
– Chất tạo đặc (Beewax): 2%.
– Dầu dưỡng: dầu dừa và dầu jojoba: 18%
– Vitamin E: chống oxy hóa và làm mềm da: 0.5%
Tất cả thành phần này đều tan trong dầu, sẽ cho chung vào nhau hết. Riêng vitamin E sẽ cho vào sau, khi nhiệt độ đã hạ xuống tầm 45 độ để dưỡng chất không bị nhiệt độ làm ảnh hưởng.
* Với Nhóm Phase nước, tổng tỷ lệ là 69.5%.
– Nhóm active: làm dịu da và làm trắng (chiết xuất dưa leo và chiết xuất rễ cam thảo): 5%
– Và Nước vừa đủ 100% tổng tỷ lệ.
Dù các chị làm số lượng bao nhiêu đi chăng nữa, thì cũng cứ vin vào tỷ lệ như vậy để mà nhân lên. Trong khung Hà ví dụ làm 200gr kem, thì với tỷ lệ từng thành phần Hà sẽ x2 để ra thành phẩm.
– Chất bảo quản: 0.8%
– Nhóm tạo mùi hương: tinh dầu: 0.5%. Tinh dầu sẽ tốt hơn là mùi tổng hợp (Fragrance)
Chất bảo quản và mùi hương này nằm ngoài tỷ lệ 100% trên.
KẾT
Bài viết này Hà chia sẻ công thức làm kem dưỡng trắng da cơ bản nhất, tất nhiên chỉ là một phần nhỏ nhoi trong thế giới mỹ phẩm rộng lớn này. Nếu thấy hữu ích, các chị hãy Like và Share (phía dưới bài viết) để tạo động lực cho Hà viết tiếp phần sau ạ..hihi…
0 nhận xét:
Đăng nhận xét